Không thể diễn mãi vở kịch “yêu thể thao” với vợ, anh Nam quyết định đăng tin bán xe đạp với giá 9 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn thanh lý bộ phụ tùng sửa chữa và nhiều vật dụng khác.
“Đu trend” đạp xe 3 tháng rồi bán vội
Đạp xe đạp đi làm đang trở thành trào lưu “sống xanh” được nhiều người hưởng ứng. Lý do là bởi đạp xe giúp cải thiện sức khỏe, bảo vệ môi trường, tránh tắc đường… Thời gian gần đây, sau những lần giá xăng liên tiếp lập đỉnh, nhiều nhân viên văn phòng, bạn trẻ cũng tìm đến chiếc xe đạp như một giải pháp để tiết kiệm tiền xăng.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Dân trí, không phải ai khi lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi làm hay luyện tập thể thao cũng đủ kiên trì để gắn bó lâu dài. Nhiều người sau khi “đu trend” xe đạp một thời gian thì nhanh chóng rơi vào tình trạng “cả thèm chóng chán”.
Tháng 3/2022, thấy trào lưu đạp xe đi làm hot rần rần trên khắp các diễn đàn, hội nhóm, Bùi Thu Trang (tên nhân vật đã thay đổi) sống ở quận 6 (TPHCM) háo hức dắt về chiếc xe đạp đường phố màu ghi.
Cô nhân viên văn phòng ngoài 20 tuổi hi vọng chiếc xe sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng cô trên quãng đường di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại.
“Lúc ấy, tôi thấy mọi người bàn tán về chủ đề này khá nhiều. Nào là đạp xe rèn luyện sức khỏe, lại tiết kiệm xăng nên tôi cũng muốn trải nghiệm xem sao. Tôi đi làm văn phòng nên ít có thời gian vận động.
Thời điểm đó, giá xăng tăng mạnh, gần 30.000 đồng/lít, tôi nghĩ, chuyển sang đạp xe sẽ rèn luyện được sức khỏe, tiết kiệm được chút tiền, lại bảo vệ môi trường nên đã bỏ ra gần 10 triệu đồng mua chiếc xe đó”, Trang kể lại.
Buổi đầu tiên đạp xe, Thu Trang cảm thấy vô cùng phấn khích. Cô ra đường sớm hơn một chút để đảm bảo đến cơ quan đúng giờ.
Tuy nhiên, những buổi đạp xe tiếp theo, cô dần nhận ra, đạp xe đi làm không hẳn “thơ mộng” như mình nghĩ. Vấn đề thời tiết khiến Trang nhanh chóng mất hứng thú với chiếc xe.
Cô kể: “Khoảng cách từ nhà tôi đến cơ quan là 3km. Buổi sáng, nếu di chuyển bằng xe đạp trên quãng đường ấy, tôi sẽ dừng mua đồ ăn sáng hoặc mua cà phê nên coi như đã có một khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi. Khoảng 7-8h, không khí còn dễ chịu nên tôi không cảm thấy quá mệt.
Song điều đáng nói là buổi chiều khi đi làm về, đạp xe giữa thời tiết nắng nóng và dòng xe cộ đông đúc tôi thấy vô cùng oải. Nắng thì nóng, mưa thì ngập. Cứ mưa lớn là đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) lại ngập sâu. Lúc đó, tôi chỉ còn nước dắt bộ”.
Ngoài vấn đề thời tiết, theo Thu Trang, trang phục cũng là một vấn đề nan giải khi đến công sở bằng xe đạp. “Đạp xe đường dài thì không thể mặc váy áo lòe xòe. Tôi làm ở công ty người nhà nên ăn mặc thoải mái, quần jean, áo thun, dép lê.
Nhiều bạn nữ khác chia sẻ họ cũng không thể mặc váy hay đi giày cao gót khi đạp xe. Một số bạn đành phải chuẩn bị một bộ đồ, một đôi dép khác để thay khi đến chỗ làm”, nữ nhân viên văn phòng nói.
Sau khi nhận thấy những bất tiện kể trên, cô gái quyết định bán lại chiếc xe đạp với giá hơn 7 triệu đồng. Chiếc xe gần như còn mới nguyên bởi được sử dụng chưa tới 10 lần trong vòng 3 tháng. Cô gái trẻ tự nhận mình không đủ kiên trì để đạp xe đi làm dù quãng đường từ nhà đến cơ quan khá ngắn.
Chị Nguyễn Bích Liên (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ rằng, nhà chị hiện đang thừa một chiếc xe đạp, cho đi thì tiếc mà để lại thì không dùng đến. Chiếc xe đạp là món quà chị tặng con trai năm cuối cấp 2.
Lên cấp 3, con trai chị học trường gần nhà nên xe bỏ xó một góc không đi. Tiếc của, thi thoảng chị Liên lấy xe đi làm. Tuy nhiên, sau một số lần di chuyển bằng xe đạp đến công ty, chị Liên nhận thấy có không ít bất cập.
“Mỗi lần di chuyển hết quãng đường 6km đến cơ quan, người tôi ra nhiều mồ hôi, rất khó chịu. Tôi cảm thấy khá mất tự tin khi ngồi gần đồng nghiệp. Công ty không có nhà tắm nên tôi không thể tắm qua trước khi vào làm việc được.
Do đặc thù của công việc, tôi phải mang theo máy tính xách tay và một số giấy tờ. Việc treo hay để những thứ đó ở đâu trên xe cũng là vấn đề, nhất là khi trời mưa”, chị Liên kể.
Mua xe rồi đành diễn cảnh “yêu thể thao” với vợ
Trên mạng xã hội xuất hiện không ít các hội nhóm thanh lý xe đạp. Bên cạnh những bài viết được đăng tải bởi các cửa hàng kinh doanh xe đạp cũ, mới thì có không ít bài viết của các cá nhân muốn bán lại những chiếc xe mới từ 90-99%.
Chia sẻ với PV Dân trí, người bán có tên Tuấn Nam (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, anh đang cần bán xe đạp mới 95% do không còn nhu cầu sử dụng.
Tuấn Nam cam kết xe không trầy xước, là sản phẩm chính hãng của một thương hiệu Đài Loan. Xe mới chạy dưới 200km, có khóa bánh, công – tơ – mét, giá để bình nước, chắn bùn trước sau.
Anh Nam cho biết, thời gian đầu anh mua xe để tập thể dục. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh không còn thấy hứng thú nữa nên quyết định bán lại cho ai có nhu cầu.
“Vợ tôi cũng kèo nhèo là mua chiếc xe hơn chục triệu đồng rồi chỉ để một góc không đi. Phải thừa nhận là có những lúc tôi dắt xe ra ngoài chỉ vì sợ vợ nói là hoang phí, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, anh Nam cho hay.
Cuối tháng 6/2022, không thể diễn mãi vở kịch “yêu thể thao” với vợ, anh Nam quyết định đăng tin bán chiếc xe với giá 9 triệu đồng. Ngoài ra, anh Nam còn thanh lý bộ phụ tùng sửa chữa xe và các vật dụng thường được người đạp xe mua như mũ bảo hiểm dành cho xe đạp, quần áo đạp xe, quần áo phản quang, khóa số, đồ sửa xe, bộ vá lốp, đèn chiếu sáng, giỏ xe, bao tay chống nắng, chuông… Anh từng tiêu tốn không ít tiền để mua những thứ này.
Anh Nguyễn Thế Mạnh (21 tuổi, quận Thanh Xuân) cũng vừa thanh lý thành công chiếc xe đua thể thao. Chiếc xe này được anh Mạnh mua tháng 10/2021 sau khi được một người bạn truyền cảm hứng từ việc người này ngày nào cũng đạp xe 12km đi làm.
“Ngày đó, tôi ở Dương Nội (Hà Đông). Khu vực tôi sống khá rộng rãi, có nhiều người thường xuyên đạp xe tập thể dục. Tôi thấy bạn mình cũng đạp xe chăm chỉ như vậy nên quyết định mua chiếc xe thể thao với giá 4,6 triệu đồng.
Gần đây, tôi chuyển chỗ ở về gần ngã tư Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân). Khu vực này đường sá đông đúc, bụi bặm, đạp xe cảm giác không còn được thư thái như trước. Công việc gần đây bận rộn hơn, nhiều hôm cả tuần tôi để xe nằm im một góc”, thanh niên 21 tuổi nói.
Chia sẻ về trải nghiệm đạp xe của mình, anh Mạnh nói: “Đạp xe thực sự tốt cho sức khỏe, tăng thể lực, dẻo dai. Đạp xe cũng giúp con người ta có thời gian ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, giúp giảm stress, căng thẳng. Tuy nhiên, đây vẫn là một môn thể thao tốn sức nên cần sự bền bỉ. Yên xe đạp thường khá nhỏ, ngồi lâu dễ gây ê mông”.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Mạnh đưa ra lời khuyên, trước khi quyết định mua một chiếc xe đạp để dùng vào việc đi làm, đi chơi, luyện tập thể thao, người mua nên cân nhắc kĩ xem mình có thật sự gắn bó với nó được hay không.
“Bạn nên đặt ra câu hỏi đây là chiếc xe mình sẽ cần lâu dài hay bản thân mua chỉ để thỏa mãn cảm xúc ngay tại thời điểm đó, rồi một thời gian sau lại thấy chán.
Đạp xe rất tốt cho sức khỏe nhưng cần phải kiên trì luyện tập hàng ngày thì mới có hiệu quả và tạo ra thói quen. Vậy nên tôi nghĩ không nên đua theo trào lưu để rồi dễ bay ngay tiền triệu”, anh Mạnh nói.
(Theo Dân Trí)
Để lại một bình luận