Thời tiết chuyển mùa trùng với thời điểm học sinh các cấp trở lại trường học khiến cho thị trường xe đạp tại Hà Nội bắt đầu biến động. Tuy nhiên, lượng khách ghi nhận có phần sụt giảm so với mọi năm.
Thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển mùa, một số nơi ghi nhận mức nhiệt trên 30 độ C. Bên cạnh đó, học sinh các khối tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học, khiến cho nhu cầu tìm mua xe đạp của người dân bắt đầu có biến động.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, các cửa hàng trên một số tuyến phố như Bà Triệu, Trần Khát Chân, Tạ Quang Bửu… đã bắt đầu có khách hàng đến tham khảo các mẫu xe đạp. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chủ cửa hàng, lượng khách đến mua chỉ tăng nhẹ, khoảng 10% so với ba tháng đầu năm.
[Phát triển xe đạp công cộng tại Hà Nội: Nhận diện “đối thủ cứng đầu”]
Đại diện đại lý phân phối xe đạp Thành Vũ Bike (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết so với cùng kỳ những năm trước, lượng khách thường tăng khoảng 20%. Tuy nhiên năm nay, ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và thăm dò thị trường, vì vậy nhu cầu về xe đạp không tăng mạnh. Nguồn cung cũng không dồi dào như mọi năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gây khó khăn trong việc vận chuyển, dẫn đến lượng xe nhập khẩu giảm sút.
Hiện nay, khoảng 70% các hãng xe đạp được bán trên thị trường là hàng nhập khẩu, phổ biến là các thương hiệu như Giant, Fornix (Đài Loan), Asama, Trinx (Nhật Bản), Trek (Mỹ) hay SAVA (Đức)…
Theo khảo sát, đối tượng học sinh, sinh viên thường lựa chọn các mẫu xe đạp thể thao, phân khúc giá chủ yếu dưới 6 triệu đồng, được trang bị một hoặc nhiều đĩa trước và líp sau để phục vụ đa dạng nhu cầu sử dụng. Những khách hàng lựa chọn xe đạp là phương tiện đi làm, thường tìm mua các mẫu xe có đầy đủ gác ba ga và bộ chắn bùn, có giá thành dao động trong khoảng từ 8-10 triệu đồng.
Anh Ngô Thanh Tú, chủ cửa hàng xe đạp Khánh Hiệp, địa chỉ số 53 phố Bà Triệu (Hà Nội), chia sẻ năm nay các đơn vị phân phối xe đạp đều công bố biểu giá nhập hàng mới, tăng từ 30-35% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng tăng theo. Một số khách đến cửa hàng để tham khảo giá, tuy nhiên sau một tuần quay trở lại, giá một số loại xe đã tăng thêm từ 1-2 triệu đồng.
Thương hiệu xe đạp Thống Nhất của Việt Nam hiện nay mới chỉ sản xuất và lắp ráp được khung xe, lốp Sao Vàng và một số linh kiện nhỏ lẻ; còn lại phần lớn linh kiện và phụ tùng vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID-19” đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của thương hiệu này.
“Mẫu xe Thống Nhất có giá tốt nhất hiện nay là loại xe mini 24inch, có giá 2,3 triệu đồng. Đây đã là mức giá khá cao so với mặt bằng chung, ngang với một số dòng xe nhập khẩu. Vì vậy, ngày càng nhiều khách hàng chuyển sang lựa chọn những mẫu xe đạp đến từ các thương hiệu nước ngoài,” anh Tú cho biết./.
Việt Anh (Vietnam+)
Để lại một bình luận