Làn đường riêng cho xe đạp có giúp Hà Nội hết tắc đường?

Mấu chốt gây nên tắc đường là mật độ dân cư lớn vẫn chưa được giải quyết, làn đường cho xe đạp có nghĩa lý gì?

Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 vừa ban hành, chính quyền thành phố Hà Nội đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có nghiên cứu làn đường cho xe đạp khi phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, giảm ùn tắc. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh những năm qua, Hà Nội thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện giữa ôtô, xe máy, xe thô sơ ở nhiều tuyến đường, nhưng chưa có làn đường riêng cho xe đạp. Kế hoạch thí điểm dịch vụ xe đạp cho thuê tại một số quận đến nay cũng vẫn chưa được triển khai.

Cá nhân tôi cho rằng, việc tạo thêm làn đường dành riêng cho xe đạp sẽ chỉ là bóp chỗ nọ dồn sang chỗ kia. Trong khi đó, vấn đề mấu chốt gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại thủ đô là mật độ dân cư trên cơ sở hạ tầng thì đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, theo tôi, việc mở thêm làn chỉ khiến giao thông thêm rối rắm, phức tạp, chứ không mang lại hiệu quả gì đáng kể.

Nếu đề xuất này được thông qua, nó sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác cần phải giải quyết như: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý mấy làn xe đạp đó? Nếu xe máy, ôtô lấn vào thì sao? Rồi đường này có làn xe đạp, nhưng đường khác lại không có, thì lợi ích mang lại là gì?

>> ‘Mở làn riêng cho xe đạp trên xa lộ’

Tôi cho rằng, muốn giải quyết tận gốc bài toán giao thông cho Hà Nội nói riêng cũng như các thành phố lớn trên cả nước nói chung, chúng ta cần định hướng cụ thể như sau:

1. Giảm mật độ dân cư trên hạ tầng bằng hai cách:

Thứ nhất, phát triển thêm cơ sở hạ tầng đô thị: mở thêm đường, trường học, bãi đỗ xe, công viên, trung tâm thể thao…

Thứ hai, chủ động giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư đối với các khu dân cư chưa có hoặc đã quá lạc hậu về quy hoạch, đã xuống cấp, hư hỏng, quá tải về hạ tầng…

2. Hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô bằng cách:

Thứ nhất, mở rộng, đa dạng hóa, và cải tiến chất lượng của hệ thống giao thông công cộng, nhằm đáp ứng được ít nhất 90% nhu cầu đi lại cơ bản của người dân (đi học, đi làm, đi khám bệnh, giải quyết thủ tục hành chính, chơi thể thao ở trung tâm thể thao, mua sắm ở trung tâm thương mại…).

Thứ hai, đánh thuế, áp phí cao đối với các phương tiện cơ giới cá nhân trong nội đô. Có thể thu phí vào khu trung tâm giống như cách làm ở London (Anh).

Tóm lại, muốn tìm lời giải cho bài toán giao thông ở các đô thị Việt, chúng ta phải giải quyết những nguyên nhân gốc rễ khiến đường phố ùn tắc, hỗn loạn. Còn nếu chỉ chăm chăm giải quyết phần ngọn sẽ chỉ thêm tốn kém, chồng chéo và thiếu hiệu quả.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *